Lão nông với bảo tàng gốm sứ cổ

Hơn 30 năm qua, người đàn ông được mệnh danh là gàn dở đã lang thang dọc bờ sông Hồng gom nhặt những giá trị văn hóa, truyền thống của cha ông. Với những món gốm sứ cổ nhiều giá trị ấy, nếu bán đi ông cầm chắc tiền tỉ trong tay. Nhưng người đàn ông "gàn" này đã nói: "Những đồ gốm sứ này là mồ hôi, xương máu của tổ tiên. Tôi nghèo thì nghèo thật nhưng cũng không bao giờ bán mồ hôi, xương máu của tổ tiên mình".

Người đàn ông đặc biệt ấy là Nguyễn Việt Hồng, sinh năm 1936. Ông sinh ra và lớn lên ở làng Xươn (nay gọi là làng Kim Lan, Gia Lâm, Hà Nội)- vốn là một làng gốm nổi tiếng của cả nước. Từ nhỏ đến lớn ông Hồng gắn bó với gốm nên trong ông lúc nào cũng khát khao được tìm hiểu nguồn gốc, xuất xứ của nghề này.

Những năm 80 của thế kỷ trước, hai bên tả hữu sông Hồng là bãi đất trống bên lở, bên bồi. Cứ mỗi lần nước rút sau những trận mưa to người dân làng ông lại nhặt được những mảnh gốm sứ cổ. Vì không ai hiểu giá trị của những món đồ tưởng chừng như vứt đi ấy nên hầu hết người ta cũng chỉ nhặt về ngắm nghía chốc lát rồi lại quẳng đi.

Lão nông với bảo tàng gốm sứ cổ
Để cho đời sau hiểu rõ hơn, ông Hồng tự tay phục chế nhiều loại gốm cổ.

Hồi đó, ông Hồng cũng giống như nhiều người làng khác, cũng nhặt về nhưng ông không vứt đi mà cất rất kỹ. "Năm 1985, sau khi tôi nghỉ hưu thì ngày nào cũng lang thang dọc bờ sông Hồng để nhặt những mảnh gốm sứ, có cái lành, có cái vỡ để về nghiên cứu. Muốn biết những thứ đồ mình nhặt được nó nằm ở niên đại nào tôi lại phải đi học tiếng Hán. Khi biết tiếng Hán, tôi như được mở ra một chân trời mới vậy. Từng niên đại lịch sử, cuộc sống sinh hoạt của ông cha ta xưa cứ dần mở ra trước mắt tôi, thú vị lắm" - ông Hồng tự hào kể.

Bãi sông Hồng càng lở thì những mảnh gốm sứ trơ ra càng nhiều. Người làng ngày ngày thấy ông lang thang dọc sông Hồng tha lôi về nhà toàn những thứ "bỏ đi" thì dè bỉu ông là dỗi hơi, già sinh tật. Chẳng quan tâm tới việc ai nói gì, ông Hồng cứ lặng lẽ làm và coi đó như một công việc đích thực. Ngày nào không đi nhặt ông lại ở nhà cọ rửa, ngồi ngắm nghía và sau đó thì phân loại chúng theo từng niên đại, từng thời kỳ.

Với sự am hiểu về gốm, với kiến thức chữ Hán đã học được ông Hồng phát hiện ra rằng, trong những món đồ mình mang về, có nhiều thứ mang giá trị khảo cổ cao. Từ những mảnh bát, đĩa đến những viên gạch nung… đều đã tồn tại qua 10 thế kỷ.

Lão nông với bảo tàng gốm sứ cổ
Rất nhiều đồ gốm cổ quý hiếm được ông Hồng hiến cho bảo tàng của xã Kim Lan.

Miệt mài nhặt nhạnh và nghiên cứu, ông Hồng đã tìm ra cả một trầm tích văn hóa qua hàng nghìn cổ vật. Từ những viên gạch Giang Tây Quân phiên hiệu Cao Biền, tới những bao nung thời Đinh, những viên gạch mộng của thời Lý Trần, những đồng tiền Thái Bình Hưng Bảo. Thậm chí ông còn sở hữu một đồng xu cực kỳ có giá trị từ thời Tây Hán năm 118 trước công nguyên.

Trong quá trình mò mẫm tìm cổ vật quý, ông Hồng tin chắc dọc bờ sông Hồng ngay sát ngôi làng Kim Lan thời xa xưa đã từng tồn tại những lò gốm sứ. Phán đoán vậy nên khoảng đầu năm 2000, ông Hồng đã viết đơn và gửi những báo cáo của mình lên Sở Văn hóa - Thông tin (nay là Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch), Viện Khảo cổ học, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam. Tháng 4/2000, một đoàn cán bộ của Bảo tàng Lịch sử Việt Nam đã tới Kim Lan và quyết định khai quật. Những gì thu được từ 3 đợt khai quật liên tiếp đã khiến các nhà sử học phải sửng sốt. Đó là số lượng hiện vật lớn trải dài suốt 10 thế kỷ, từ thế kỷ thứ VII tới thế kỷ XVII.

Biết ông Hồng sưu tầm được rất nhiều món đồ gốm sứ, tiền cổ có giá trị, nhiều kẻ săn lùng cổ vật đã tìm đến nhà ông và trả giá rất cao. Có những món đồ họ trả ông từ vài chục triệu tới vài trăm triệu đồng nhưng ông đều lắc đầu từ chối. Nhiều người làng biết chuyện đã nói ông đúng là "người cổ", không thức thời. Nếu chịu bán đồ cổ lấy tiền có phải cuộc sống đã sung túc, nhà cao cửa rộng rồi.

Lão nông với bảo tàng gốm sứ cổ
Những đồng tiền cổ quý hiếm được ông Hồng "nhặt" từ khu vực bãi sông gần nhà.

Nhưng ông Hồng thì không nghĩ vậy, ông chia sẻ: "Mục đích sưu tầm của tôi là để tìm hiểu nguồn gốc, quá trình hình thành và phát triển của làng gốm Kim Lan chứ đâu phải để mưu cầu lợi ích cá nhân. Hồi đó lái buôn cổ vật tìm đến nhà tôi nhiều lắm. Lúc đầu họ nói ngon ngọt, dụ dỗ tôi bán cổ vật. Sau thấy tôi từ chối quyết liệt, nhiều người còn bắn tin dọa nạt. Họ bảo khôn thì bán lấy tiền mà xây nhà còn ngu thì cổ vật vẫn mất mà lại chả được xu nào.

Quả thật, hồi đó tôi cũng hoang mang lắm, vì nhà cửa thì sơ sài, chả kín cổng cao tường gì. Ngộ nhỡ chúng làm liều, lợi dụng lúc cả nhà đi vắng hoặc đêm hôm lẻn vào khoắng hết đồ thì biết làm sao. Nhiều đêm tôi phải thức chòng chọc để mà canh trộm đấy".

Tiến sĩ người Nhật Nishimura Masanari, người đã song hành cùng ông Hồng trong công cuộc săn tìm cổ vật tìm lại cội nguồn đã phải thốt lên rằng: "Sở hữu những món cổ vật có giá trị hàng nghìn, hàng trăm nghìn USD mà ông Hồng vẫn không mảy may nổi lòng tham, vẫn một lòng một dạ giữ lại để bảo tồn, để hiến tặng cho bảo tàng quả là đặc biệt. Ông ấy phải là người có tinh thần yêu làng, yêu nước sâu đậm lắm mới làm được việc kỳ diệu ấy".

Lão nông với bảo tàng gốm sứ cổ
Bảo tàng lịch sử gốm sứ này là niềm tự hào của người dân xã Kim Lan.

Ông Hồng kể lại rằng, việc nhặt đồ gốm cổ như một cơ duyên không chỉ với ông mà với cả gia đình ông. Năm 2000, con trai ông nhặt được thân của một bức tượng Phật rất quý thời nhà Trần. Năm sau, trong một lần đi làm, vợ ông lại nhặt được phần đầu của bức tượng ấy. Cũng có khi, 3 năm liền ông Hồng nhặt được 3 mảnh vỡ của một chiếc đĩa, đến khi ghép các mảnh vỡ lại thì vừa khít một chiếc đĩa cổ.

Không chấp nhận bán những cổ vật của cha ông, được sự hỗ trợ tận tình của vợ chồng tiến sĩ người Nhật Nishimura Masanari, ông Hồng đã cùng với 4 bậc cao niên trong làng xây dựng bảo tàng đặt tại trụ sở xã với tên gọi "Bảo tàng gốm sứ, tìm lại cội nguồn". Hiện bảo tàng đang trưng bày 300 cổ vật gốm sứ có giá trị về văn hóa, lịch sử. Ông Nguyễn Đức Trí, Phó Chủ tịch UBND xã Kim Lan bày tỏ: "Bảo tàng thực sự có ý nghĩa, trước hết nó giúp những người dân trong xã Kim Lan hiểu được cội nguồn của ông cha. Ngoài ra, bảo tàng cũng đón nhận nhiều đoàn khách du lịch muốn tìm hiểu về làng gốm Kim Lan". Chính những đóng góp vô tư ấy, nhóm "Tìm lại cội nguồn" đã vinh dự được nhận giải thưởng Bùi Xuân Phái - tình yêu Hà Nội.

Vốn là người làng nghề nên chỉ cần cầm một mảnh gốm cổ vỡ trên tay ông Hồng cũng đoán biết được xương, da, men, hình dáng ban đầu của nó như thế nào. Càng hiểu về gốm, ông càng khâm phục cha ông xưa. Ông Hồng bảo, hồi đó các cụ hoàn toàn làm thủ công chứ làm gì có phương tiện hiện đại như bây giờ vậy mà vẫn tạo ra những sản phẩm tinh xảo đến thế. Những hoa văn âm khắc rất khéo léo, giống như họa tiết của gỗ, hoa văn nổi bên trong.

Đối với ông Hồng, mỗi mảnh gốm sứ đều chứa đựng trong nó những giá trị văn hóa lớn. Nếu ta không hiểu biết mà bỏ qua, hoặc vì hám tiền mà bán đi thì ký ức của cha ông sẽ mất đi vĩnh viễn. Thế nên, gần 30 năm sưu tầm cổ vật, ông Hồng chỉ có một nguyện vọng là lưu giữ lại được những giá trị văn hóa truyền thống truyền lại cho những đời sau. Ông Hồng khoe: "Hàng chục năm qua, có tới hơn 200 đoàn khách nghiên cứu về khảo cổ, lịch sử, văn hóa và các nhà báo đã tới nhà tôi để tìm hiểu về đồ gốm cổ. Đó chính là hạnh phúc đối với một lão nông như tôi".

Đồ thờ cao cấp Gia Tộc Việt  -  khẳng định vị thế số 1 về đồ thờ cao cấp!

Mọi thông tin chi tiết xin vui lòng liên hệ với chúng tôi theo địa chỉ:

 

THÔNG TIN CÔNG TY

 

Cty cổ phần Bát Tràng Việt Nam

 

Địa chỉ: Số 138 - Xóm 5 - Bát Tràng - Gia Lâm - Hà Nội

 

MS thuế: 0107 530 962

 

THÔNG TIN TÀI KHOẢN

 

Số TK: 09899966001

 

Chủ TK: Công ty Cổ phần Bát Tràng Việt Nam

 

Ngân hàng: TP Bank CN Hà Nội

 

LIÊN HỆ

 

- Trụ sở: Số 138 - Xóm 5 - Bát Tràng - Gia Lâm - Hà Nội

 

- Xưởng sản xuất: Xóm 1, Bát Tràng, Gia Lâm, HN

 

- Email: dothocaocapvn@gmail.com

 

- Hỗ trợ trực tiếp: 888602222

 

- Hỗ trợ đặt hàng: 088.860.2222